Anh Nguyễn Khắc Bình ở thôn Hiển Lễ, xã Cao Minh (thị xã Phúc Yên) được nhiều người dân địa phương biết đến là thợ mộc giỏi. Anh là một trong những người tiên phong của xã mang nghề mộc về quê hương.
Xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Khắc Bình hiện cho doanh thu gần 5 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Anh Bình sinh ra và lớn lên ở thôn Hiển Lễ, xã Cao Minh, đây từng được ví như cái “nôi” của nghề gốm trong tỉnh, song do tác động của thị trường, nghề gốm Cao Minh mất dần vị thế.
Đểphát triển kinh tế, hơn 20 năm trước, anh Bình cùng một số thanh niên trong xã tìm đến làng gỗ Đồng Kỵ (nay là phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) để học nghề.
Vốn có đôi tay khéo, lại chịu khó, sau 11 năm vừa học vừa làm, anh Bình cơ bản thấm nhuần kỹ năng và kinh nghiệm làm mộc ở làng gỗ có tiếng bậc nhất nước ta thời bấy giờ. Năm 2005, anh quyết định quay về quê hương phát triển nghề mộc. Với số vốn ít ỏi ban đầu, anh mở một xưởng mộc nhỏ, thuê 3 lao động cùng làng về làm.
Những ngày đầu hoạt động, xưởng mộc của anh gặp không ít khó khăn do thiếu vốn. Để duy trì hoạt động của xưởng, ngoài tận dụng tối đa mối quan hệ với nhiều đồng nghiệp cũ ở làng gỗ Đồng Kỵ xin làm những đơn hàng nhỏ, lẻ, anh còn trực tiếp đi giao hàng cho khách, tư vấn, tạo dựng lòng tin với khách hàng.
Không đủ kinh phí đầu tư máy móc hiện đại, xưởng mộc của anh sản xuất chủ yếu theo phương pháp thủ công mà theo anh có cái hay, cái dở. Hay ở chỗ đồ gỗ làm trực tiếp từ đôi tay, sản phẩm sẽ “có hồn” hơn, sự khéo léo và tinh tế của người thợ được thể hiện trên từng sản phẩm mà chỉ người “sành chơi” mới nhận ra được, song cái dở ở chỗ các đơn hàng anh nhận được thời điểm đó chủ yếu là đơn hàng nhỏ, dù có làm thủ công cũng không thể đẩy giá sản phẩm lên cao nên những ngày đầu lập nghiệp, “người thợ giỏi” dù có hay đến mấy cũng không khỏi lỗ.
Với quyết tâm không bỏ cuộc, không ngừng cố gắng, sau hơn 10 năm, xưởng mộc của anh Bình dần có chỗ đứng trên thị trường, mở rộng về quy mô, có thêm nhiều bạn hàng lớn, là địa chỉ tin cậy của người dân địa phương khi có nhu cầu mua đồ gỗ. Không chỉ vậy, sự thành công từ xưởng mộc của anh cũng là động lực để nhiều hộ dân xã Cao Minh phát triển nghề này.
Anh Bình chia sẻ: “Tôi cầm cái dùi, cái đục đến nay cũng đã hơn 22 năm, 10 năm học nghề, 12 năm về quê lập nghiệp, trong quá trình làm việc đã đào tạo được kha khá học trò. Nghề mộc đòi hỏi sự khéo tay và tinh tế nên không phải ai cũng làm được.
Sở dĩ tôi mạnh dạn mang nghề mộc về quê hương bởi biết người dân quê mình trước kia có nghề gốm gia truyền; “nghệ nhân khéo tay” không thiếu, song, chỉ không biết “khéo tay” dùng vào việc gì khi nghề gốm không còn.
Tôi mở xưởng mộc ngoài việc phát triển sự nghiệp thì cũng muốn tạo cơ hội cho người dân quê mình vừa học vừa làm để có hướng phát triển kinh tế, đẩy lui cái nghèo. Sẵn có bàn tay nghệ nhân, nhiều người làm cho tôi đến nay đã mở được xưởng mộc riêng, tạo việc làm cho không ít lao động nông nhàn có công việc và thu nhập ổn định”.
Theo nhiều thợ mộc trên địa bàn xã Cao Minh: Người làm tại xưởng mộc của anh Bình ngoài được trả lương xứng đáng thì còn được anh tận tình chỉ dạy. Anh Bình còn là đầu mối nhận các đơn hàng từ nơi khác về để chia sẻ cho anh em có xưởng mộc trong xã cùng làm.
Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Bình quy định mỗi một sản phẩm do xưởng mộc của anh làm ra đều phải đạt 3 tiêu chí: Chuẩn mẫu mã theo đơn đặt, chất lượng tốt và đúng thời hạn giao hàng; 3 tiêu chí này cũng là yếu tố tiên quyết để anh gây dựng lòng tin với khách hàng và đồng nghiệp.
Sau nỗ lực, đóng góp của mình cho nghề mộc xã Cao Minh, anh Nguyễn Khắc Bình vinh dự và tự hào được vinh danh “Thợ trẻ giỏi toàn Quốc”, đạt giải nhỉ tỉnh trong “ Hội thi ngành nghề thủ công lần thứ I” .
Hoàng Sơn.